Rail Travel

Trân trọng thiên nhiên và sống hòa hợp theo các mùa

Trân trọng thiên nhiên và sống hòa hợp theo các mùa

Hình thành từ các vụ phun trào núi lửa và các nguồn lực tự nhiên, gần 70% diện tích Nhật Bản là những rặng núi hùng vĩ và những đỉnh núi vời vợi. Từ thuở xa xưa, hình ảnh thiên nhiên đã được đưa vào vô số chuyện kể và tác phẩm nghệ thuật, với tư cách là một biểu tượng vĩ đại của sự bí ẩn, mê hoặc. Thiên Nhiên có ảnh hưởng to lớn đối với đời sống và văn hóa, đặc biệt là ở Nhật Bản - nơi người dân từ ngàn năm nay vẫn luôn nhìn các thế lực Thiên Nhiên với cái tâm đầy sự trân trọng và tôn kính.

 

Những cây tuyết tùng cao dọc lối đi dẫn đến các đền thờ bên trong Tokagushi. (Nguồn ảnh: JR East/ Carissa Loh) 

 

Sống trên một hòn đảo thường xuyên có địa chấn và hoạt động núi lửa, những cư dân Nhật Bản cổ đại thực hành tín ngưỡng thờ núi (山岳信仰 sangaku shinkō), một tín ngưỡng coi các ngọn núi là thực thể linh thiêng. Tín ngưỡng thờ núi về sau đã phát triển thành đạo Shintō (神道), có nghĩa là "Con đường của các vị thần" - theo đó, người ta tin rằng vạn vật, đặc biệt là các yếu tố thiên nhiên như núi, sông và rừng, đều có một vị thần (神 kami) cư ngụ ở bên trong.

 

Một mặt, người ta kinh sợ Thiên Nhiên vì nó thường xuyên mang đến những thảm họa tàn khốc như động đất, bão lũ và mùa đông lạnh giá khắc nghiệt; nhưng mặt khác Thiên Nhiên được tôn thờ vì nó là nguồn cung cấp mọi yếu tố thiết yếu cho sự sống: nước, thức ăn và nơi ở. Do những niềm tin của đạo Shintō này, người Nhật luôn vô cùng tôn kính và sùng bái Thiên Nhiên.

 

Một ngôi đền ở Yamadera (Nguồn ảnh: 山形県庁)

 

Đặc biệt, những ngọn núi được coi là vô cùng linh thiêng, và vô số ngọn núi có điện thờ hoặc đền thờ trên đỉnh. Suốt hàng trăm năm, các tín đồ đã thực hiện nhiều cuộc hành hương tôn giáo như một cách thức bày tỏ lòng cảm tạ, hoặc tìm kiếm sự cứu rỗi. Những ngọn núi cao vút được xem như một thế giới ở xa xôi, được bao phủ trong những đám mây và dẫn lên thiên đàng. Chúng cũng được tôn kính vì là cội nguồn của những dòng sông, con suối đem đến sự sống, cung cấp nguồn nước cần thiết cho muôn loài.

 

Tuy nhiên, ngày nay, văn hóa leo núi đã có một sự phát triển vượt bậc, nhiều người Nhật thích đi bộ đường dài và thư thả leo núi như một cách để tỏ lòng trân trọng và thưởng ngoạn thiên nhiên.

 

 Những cánh đồng lúa ở Niigata - tỉnh thành nổi tiếng nhất với chất lượng gạo và các sản phẩm từ gạo. (Nguồn ảnh: 公益社団法人 新潟県観光協会)

 

Ở Nhật Bản, Thiên Nhiên có tầm quan trọng tuyệt đối, người dân tìm đến Thiên Nhiên để nhận được sự chỉ dẫn theo từng mùa, và sự quan trọng của thiên nhiên là nền tảng của phần lớn các lễ hội (祭り matsuri) diễn ra quanh năm. Suốt cả năm, Nhật Bản được ban tặng những sản vật thiên nhiên phong phú – từ vụ mà và tôm cá để ăn, đến gỗ đá để làm vật liệu xây dựng. Không có gì lạ khi ý tưởng tôn thờ và trân trọng Thiên Nhiên đã có từ rất lâu, cùng với các lễ hội được tổ chức để cầu cho vụ mùa bội thu hay đánh bắt được nhiều thủy hải sản.

 

Quang cảnh hẻm núi Geibikei vào bốn mùa. Theo chiều kim đồng hồ, từ phía trên cùng bên trái: mùa đông, mùa xuân, mùa thu, mùa hạ. (Nguồn ảnh: Trung Tâm Geibi Kanko) 

 

 Shun (旬) - khái niệm thưởng thức đồ ăn và các hoạt động trải nghiệm vào đúng vụ mùa - đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày ở Nhật Bản. Do vị trí địa lý, Nhật Bản có sự phân chia bốn mùa rõ rệt. Nhiều quốc gia có bốn mùa, nhưng ở Nhật Bản, bốn mùa được phân chia một cách độc đáo, hiếm thấy ở những nơi khác trên thế giới - với rất nhiều phong tục tập quán đặc trưng cho từng thời điểm, từng mùa trong năm.

 

Mùa xuân: Thưởng thức vẻ đẹp mong manh thoáng qua của những bông hoa anh đào yêu dấu xứ Phù Tang

Một ví dụ là hanami (花見 lễ hội ngắm hoa) trong mùa hoa anh đào (桜 sakura). Cây hoa anh đào có ở khắp nơi trên thế giới, nhưng đặc biệt nổi tiếng ở Nhật Bản - hoa anh đào là một trong những biểu tượng tiêu biểu nhất của Nhật Bản.

 

Hoa anh đào nở rộ. (Nguồn ảnh: JR East / Carissa Loh)

 

Tuổi đời của hoa anh đào thường được sử dụng như một biện pháp ẩn dụ trong các tác phẩm văn học: sớm nở tối tàn -  khoe sắc trong một khoảnh khắc đẹp đẽ thoáng qua, rồi nhanh chóng lụi tàn khi lìa cành vài ngày sau đó. Mối liên kết giữa Nhật Bản với hoa anh đào nằm ở hình ảnh biểu tượng này, và lòng trân trọng vẻ đẹp mong manh, hữu hạn của nó, chứ không chỉ nằm ở vẻ đẹp bên ngoài của hoa anh đào.

 

Miền Đông Nhật Bản trải dài từ Bắc vào Nam, nên có rất nhiều điểm ngắm hoa tuyệt vời cho bạn đến thưởng ngoạn trong khoảng thời gian dài từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 5.

 

Theo chiều kim đồng hồ từ phía trên cùng bên trái: Công Viên Kitakami Tenshochi, Công Viên Lâu Đài Hirosaki, Công Viên Lâu Đài Takada, Hitome Senbonzakura.(Nguồn ảnh: 岩手 協会, Thành phố Hirosaki / JNTO, 公益 法人 新潟 協会, U-media)

 

Công Viên Kitakami Tenshochi (北上展勝地公園 Kitakami tenshōchi kōen) ở tỉnh Iwate nổi tiếng với 2km đường hầm hoa anh đào và có xe ngựa kéo.

 

Công Viên Lâu Đài Takada (高田城公園 Takadajō kōen) ở tỉnh Niigata tự hào với màn trình chiếu ánh sáng kì ảo vào buổi đêm, và là một trong ba địa điểm ngắm hoa anh đào vào ban đêm hàng đầu ở Nhật Bản.

 

Tại Hitome Senbonzakura (一目千本桜) ở tỉnh Miyagi, có hàng ngàn cây hoa anh đào trải dọc hai bên bờ sông Shiroishi, và có thể trông thấy núi Zao ở phía chân trời, cảnh đẹp không đâu sánh bằng.

 

Ảnh trên: Con hào phía tây của Công Viên Lâu đài Hirosaki vào ban ngày và vào ban đêm. Ảnh dưới: Quang cảnh Lâu đài Hirosaki với hoa anh đào, đỉnh núi Iwaki và thảm hoa anh đào. (Nguồn ảnh: JR East / Carissa Loh (trên), thành phố Hirosaki / JNTO (dưới). 

 

Ở phía bắc công viên lâu đài Hirosaki (弘前公園 Hirosaki kōen) tỉnh Aomori, các kỹ thuật trồng táo đã được điều chỉnh để áp dụng vào việc trồng ra những cây hoa anh đào nở hoa nhiều hơn và đẹp hơn. Công viên có đa dạng điểm ngắm cảnh vào ban ngày và ban đêm, vì vậy hãy đến trải nghiệm cả hai thời điểm nếu có thể. Một cảnh đẹp nổi tiếng là thảm hoa anh đào (花筏 hana ikada) - khung cảnh khi những cánh hoa rụng xuống và đọng trên mặt nước tĩnh lặng của hào nước, tạo thành một tấm thảm màu hồng.

 

Yukigata: dấu hiệu cổ xưa báo mùa xuân đang tới

Trong khi chờ đợi mùa xuân đến, người nông dân Nhật Bản thời xưa nhìn thiên nhiên để tìm dấu hiệu báo thời điểm gieo hạt. Chọn một ngày cố định của một tháng cố định sẽ không chính xác, do điều kiện mỗi năm mỗi khác, và thiên nhiên có thể cho chỉ dẫn tốt hơn về thời điểm phù hợp để canh tác.

 

Tuyết bao phủ dãy núi Hotaka. (Nguồn ảnh: Yasufumi Nishi/ JNTO)

 

Một trong những dấu hiệu đó là yukigata (雪形 hình dạng của tuyết). Thời xa xưa, tuyết tan để lộ ra những tảng đá sẫm màu bên dưới là một dấu hiệu của mùa xuân, được người dân địa phương sử dụng làm dấu hiệu để bắt đầu chuẩn bị ruộng nương cho việc trồng lúa. Khi tuyết tan, tuyết trắng và đá sẫm màu tạo thành một số hình dạng nhất định. Đặc điểm của các ngọn núi không thay đổi, trừ khi có thảm họa xảy ra, vì vậy người dân địa phương biết rằng các hình dạng được hình thành khi tuyết tan hàng năm sẽ giống nhau, chúng báo hiệu mùa xuân đang đến.

 

Yukigata hình con ngựa ở Hakuba. (Nguồn ảnh: Ủy Ban Du Lịch của làng Hakuba)

 

Trên thực tế, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết nổi tiếng Hakuba (白馬) được đặt tên theo vô số hình tuyết tan có dạng con ngựa, được tạo thành vào đầu xuân: Hakuba có nghĩa là "ngựa trắng"! Còn rất nhiều hình yukigata khác nằm rải rác trên các ngọn núi bao quanh Hakuba, và khách sạn Hakuba Highland có những hình ảnh rất rõ nét về chúng.

 

Yukigata hình con bướm trên đỉnh núi Chōgatake (trái) và yukigata hình một nhà sư đang cầu nguyện trên đình núi Jōnen (phải). (Nguồn ảnh: 安曇野市観光交流促進課)

 

Tương tự, đỉnh núi Chōgatake (蝶ヶ岳 Chōgatake) ở phía bắc dãy Alps cũng lấy tên từ hình yukigata có dạng con bướm được tạo thành trên đỉnh núi (蝶 có nghĩa là "con bướm" và 岳 có nghĩa là "đỉnh"), trong khi đỉnh núi Jōnen (常念岳 Jōnendake) lấy tên từ hình yukigata có dạng nhà sư đang cầu nguyện Jōnenbō (常念坊) hình thành trên sườn núi. Nếu bạn quan tâm đến hoạt động đi bộ đường dài lên đỉnh dãy Alps phía bắc, quanh đỉnh núi Jōnen và đỉnh núi Chōgatake, hãy xem bài viết này!

 

Shinryoku: mùa cỏ cây xanh ngát

Đối với người Nhật, sau mùa xuân và trước mùa hè có một thời kỳ được gọi là shinryoku (新緑 xanh ngát), khi lá mới nhú lên sau khi hoa đã bung nở.

 

Cây cối xanh ngát dọc bờ suối Oirase Keiryu. (Nguồn ảnh: JR East/ Carissa Loh)

 

Bạn có thể sẽ nghĩ rằng, “Có gì đặc biệt đâu? Cây cối ở Singapore xanh tốt quanh năm ”. Tuy nhiên, khi những mầm lá mới này bắt đầu nhú lên, chúng có màu xanh tươi và rất đẹp - tươi mát, tràn đầy sức sống, rất khác sắc màu xanh tối màu, xỉn hơn của cây lá trên đường phố chúng ta. Shinryoku là một dấu hiệu cho thấy thời tiết đã ấm lên và bạn có thể tham gia các hoạt động ngoài trời.

 

Một nơi mà bạn có thể thưởng ngoạn sắc xanh tươi mát là Bijinbayashi (美人林) ở tỉnh Niigata.

 

Đắm mình thưởng ngoạn những hàng giẽ gai ở Bijinbayashi. (Nguồn ảnh: 公益社団法人 新潟県観光協会)

 

Khu rừng mùa nào cũng đẹp như tranh vẽ với những hàng giẽ gai tuyệt mĩ. Mặc dù vẫn chưa mấy phổ biến với du khách nước ngoài, nhưng Bijinbayashi - tức "rừng mỹ nhân" - đang nổi lên nhanh chóng với tư cách là một điểm du lịch tâm linh cho khách nội địa Nhật Bản. Các điểm du lịch tâm linh là nơi người ta tìm đến để "sạc" năng lượng tinh thần thông qua cảm nhận năng lượng chữa lành của trái đất và thưởng ngoạn vẻ đẹp huyền bí của cảnh vật.

 

Shinrinyoku: hòa mình vào năng lượng của tự nhiên

Đến thăm các điểm du lịch tâm linh trong rừng có thể được coi là một hình thức shinrinyoku. Shinrinyoku (森林浴 shinrin’yoku) mang nghĩa đen là "tắm rừng" - diễn tả việc đi vào rừng để nghỉ ngơi thư giãn và nạp lại năng lượng, nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần hoặc thể chất.

 

Shinrinyoku không bao gồm việc tắm theo nghĩa đen. Thay vào đó, nó có nghĩa là hòa mình và đắm chìm vào bầu không khí của rừng, và không chỉ là dành thời gian ở trong thiên nhiên hay đi bộ đường dài. Người ta đi bộ đường dài và leo núi là để đến đích, còn shinrinyoku thì tập trung nhiều hơn vào chặng đường ta đi.

 

Rừng giẽ gai trên đường mòn Shinetsu (Nguồn ảnh: Cục Du Lịch Shinshu Iiyama)

 

Shinrinyoku là một trải nghiệm tập trung vào giác quan và trạng thái tâm trí, ở đó bạn sử dụng các giác quan của mình để tiếp nhận năng lượng từ thiên nhiên. Ngoài việc ngắm nhìn cảnh vật, những trải nghiệm như nghe tiếng nước chảy hay tiếng lá cây xào xạc, ngửi hương hoa cỏ, cây cối và cảm nhận gió phả vào mặt cũng góp phần tạo nên một hành trình thật thư thái.

 

Mùa hè: Mùa của lễ hội và hoạt động đi bộ đường dài

Sau khi gieo hạt vào mùa xuân, mùa hè là mùa để cây phát triển, trước khi đến thời điểm thu hoạch vào mùa thu. Người xưa sử dụng khoảng thời gian này để tạ ơn và cầu nguyện cho vụ mùa bội thu khi thu về, vì vậy mà có các lễ hội mùa hè.

 

Theo chiều kim đồng hồ từ phía trên cùng bên trái: Lễ Hội Aomori Nebuta, Lễ Hội Tanabata Sendai, Lễ Hội Morioka Sansa Odori, Lễ Hội Akita Kanto, Lễ Hội Yamagata Hanagasa. (Nguồn ảnh: JR East/ Carissa Loh)

 

Vùng Tohoku có một số lễ hội mùa hè sôi động bậc nhất Nhật Bản, với ba lễ hội lớn là Lễ Hội Akita Kanto (秋田竿灯祭り Akita kantō matsuri), Lễ Hội Aomori Nebuta (青森ねぶた祭り Aomori nebuta matsuri) và Lễ Hội Sendai Tanabata (仙台七夕祭り Sendai tanabata matsuri).

 

Lễ Hội Akita Kanto. (Nguồn ảnh: 秋田県観光連盟)

 

Lễ hội Akita Kanto để cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu, ở đó có kanto (đèn lồng treo trên cọc tre) với hình dạng giống như bông lúa lay trong gió và xua đuổi những linh hồn xấu xa đi.

 

Lễ Hội Aomori Nebuta. (Nguồn ảnh: 青森県)

 

Các lễ hội Nebuta và Neputa ở Aomori bắt nguồn từ truyền thống sử dụng đèn lồng để xua đuổi ma quỷ quấy phá nhà nông, trong khi Lễ Hội Tanabata ở Sendai là để người dân địa phương thể hiện ước nguyện và bày tỏ lòng biết ơn.

 

Hồ Happo, cách 90 phút đi bộ từ đỉnh ga Happo Gondola. (Nguồn ảnh: Ủy Ban Du Lịch Làng Hakuba/ JNTO)

 

Không chỉ có các lễ hội, mùa hè đến có nghĩa là tuyết trên núi đã tan, đây là thời điểm thích hợp để đi khám phá. Ở Nhật Bản, hoạt động đi bộ đường dài và leo núi đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một loại hình giải trí thời hiện đại. Ngày xưa, những người sùng đạo leo núi để hướng đến các vị thần, nhưng ngày nay, các chuyến leo núi chủ yếu là để giải trí - thưởng ngoạn phong cảnh và sự thanh bình.

 

Cầu Kappa nổi tiếng của Kamikochi. (Nguồn ảnh: Thành phố Matsumoto/ JNTO)

 

Kamikochi (上高地 Kamikōchi) ở tỉnh miền núi Nagano là một vùng cao nguyên hoang sơ trên nền dãy Alps Nhật Bản hùng vĩ, nơi đây có vô số đường mòn để đi bộ, từ bằng phẳng dễ đi đến khúc khuỷu khó vượt. Tên của cao nguyên này dịch theo nghĩa đen là “mảnh đất nơi các vị thần giáng trần” - xuất phát từ sự tích vị thần đạo Shintō - Hotaka-no-mikoto (穂高見命) - người được cho là đã giáng trần xuống đỉnh núi Oku-hotakadake (奥穂高岳) -  cách Kamikochi 9 giờ leo bộ.

 

Những căn chòi trên núi có chỗ ngủ cho những người đi bộ đường dài cự li xa, đồng thời cũng bán thức ăn vặt và đồ ăn cho du khách ghé qua ban ngày. (Nguồn ảnh: JR East/ Carissa Loh) 

 

Ở hầu hết các đỉnh núi đều có những căn chòi trên núi (山小屋 yamagoya), nơi du khách có thể nghỉ một đêm trước khi tiếp tục chuyến đi bộ đường dài của họ. Nếu bạn không thích leo núi lắm, thì cũng có rất nhiều đoạn đường mòn đi bộ ngắn và bằng phẳng ở khắp khu vực phía Đông Nhật Bản.

 

Mùa thu: Mùa của những sắc rực rỡ và vụ mùa bội thu

Giống như hanami (花見) là từ được dùng để chỉ các hoạt động ngắm hoa, đặc biệt là vào mùa hoa anh đào, có một từ tương đương dùng trong mùa thu, đó là momijigari (紅葉狩り), nghĩa là "ngắm cảnh mùa thu". Với vô số địa điểm du lịch thiên nhiên ở khắp mọi nơi, Nhật Bản có những điểm ngắm lá chuyển màu vào mùa thu tuyệt đẹp trên khắp cả nước, đặc biệt là ở khu vực phía đông.

 

 

Leo bộ lên núi Karasawa Kaar vào mùa thu. (Nguồn ảnh: JR East/ Carissa Loh)

 

Là nơi có vô số dãy núi và công viên quốc gia, miền đông Nhật Bản có những điểm ngắm lá thu đẹp nhất nước. Khu vực này có diện tích rộng lớn và dân số thưa thớt so với các khu đô thị lớn, và vào mùa thu, là nơi lý tưởng để đi nghỉ cuối tuần, thưởng ngoạn những sắc màu thiên nhiên, và tham gia hoạt động phổ biến là đi bộ đường dài.

 

Mùa thu ở hẻm núi Naruko. Cây cầu nổi tiếng (trái) và chuyến tàu Resort Minori đi qua đường hầm trong hẻm núi (phải). (Nguồn ảnh:  宮城県観光課 (trái) và JR East (phải))

 

Một số địa điểm tuyệt vời nhất để chiêm ngưỡng sắc màu mùa thu nằm ở hẻm núi Naruko (鳴子峡 Narukokyō) ở tỉnh Miyagi, và Oirase Keiryu (奥入瀬渓流 Oirase keiryū) ở tỉnh Aomori.

 

Đỉnh núi Hachimantai vào mùa thu. (Nguồn ảnh: JR East)

 

Trong khi một số điểm ngắm cảnh chỉ có thể đến được bằng cách đi bộ lên núi, thì cũng có một số điểm ngắm cảnh núi đẹp tuyệt vời, chỉ cách một chuyến cáp treo. Những địa điểm này vô cùng thích hợp cho những người không đủ sức khỏe và thời gian để leo núi, hoặc những người đi cùng người già và trẻ nhỏ. Đỉnh núi Hachimantai ở quận Akita/ Iwate và đỉnh núi Hakkoda ở quận Aomori là những địa điểm như vậy. Khi đi lên cáp treo lên đỉnh núi, hãy chiêm ngưỡng toàn cảnh những tán cây mang màu đỏ rực và cam đậm mùa thu.

 

Hạt dẻ, nấm Matsutake, táo và nho Shine Muscat. (Nguồn ảnh: Pixabay và JR East/ Carissa Loh)

 

Mùa thu là mùa thu hoạch. Người Nhật ăn mừng không chỉ bằng cách thưởng ngoạn những tán lá thu rực rỡ sắc màu, mà còn bằng cách thưởng thức những món ngon chế biến từ nguyên liệu mới được thu hoạch vào mùa thu. Đặc sản mùa thu bao gồm hạt dẻ (栗 kuri), nấm Matsutake (松茸 matsutake), táo (りんご ringo) và nho (葡萄 budō), tất cả đều rất dồi dào ở tỉnh miền núi Nagano.

 

Sandankōyō ở Hakuba. (Nguồn ảnh: JR East / Akio Kobori)

 

Miền đông Nhật Bản có những đỉnh núi cao nhất nước, vì vậy bạn có thể đồng thời ngắm cả tuyết và lá thu! Trên những đỉnh núi cao, tuyết thường bắt đầu rơi rất sớm, trong khi những ngọn núi thấp hơn gần đó đang mang sắc thu, còn mặt đất thì vẫn xanh tươi. Hiện tượng này được gọi là sandankōyō (三段紅葉 ba tầng sắc màu mùa thu), và đẹp vô cùng, nhất là ở Hakuba.

 

Những phước lành của mùa đông

Khi lá thu rụng và nhiệt độ hạ xuống, đó là tín hiệu cho thấy mùa đông đang đến. Miền đông Nhật Bản là nơi có các tỉnh thành với địa hình đồi núi, các tỉnh thành nằm trên cao và các tỉnh thành dọc ven biển Nhật Bản. Tất cả những điều kiện này góp phần dẫn đến mùa đông lạnh giá, khắc nghiệt với lượng tuyết rơi nhiều, có những khu vực có lượng tuyết rơi cao nhất Nhật Bản và nhất cả thế giới.

 

Các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Hakuba, GALA Yuzawa và Appi Kogen. (Nguồn ảnh: Ủy Ban Du lịch Làng Hakuba/ JNTO (trái), GALA Yuzawa Snow Resort (giữa), Hotel Appi Grand (phải))

 

Với lượng tuyết rơi dày, không lấy gì làm lạ khi Niigata và Nagano là hai tỉnh có nhiều khu nghỉ dưỡng trượt tuyết nhất nhì Nhật Bản, trong đó có thung lũng Hakuba nổi tiếng thế giới - là khu nghỉ dưỡng trượt tuyết lớn nhất Nhật Bản - nơi có tuyết bột chất lượng hàng đầu, và nhìn ra những sườn núi cao hùng vĩ.

 

Vì các nguồn lực tự nhiên hoạt động mạnh mẽ ở khu vực phía đông Nhật Bản, nên nhiều điểm tham quan mùa đông độc đáo ở đây được hình thành nhờ chính bàn tay của mẹ thiên nhiên!

 

Những con “quái vật tuyết” ở Yamagata Zao. (Nguồn ảnh: 山形県庁) 

 

Hiện tượng nổi tiếng nhất có lẽ là "quái vật tuyết" (樹氷 juhyō). "Quái vật tuyết" là một hiện tượng tự nhiên xảy ra do băng giá và tuyết tích tụ lại trên cây cối. Theo thời gian, khối băng tuyết tích tụ lại tạo thành hình dạng giống như một con quái vật, từ đó hình thành cái tên "quái vật tuyết". Một số nơi thậm chí còn có màn chiếu sáng ban đêm, mang lại cảm giác kỳ lạ mà huyền ảo. Có rất nhiều địa điểm cho bạn đến xem hiện tượng này, trong đó nổi tiếng nhất là Yamagata Zao. Những nơi khác bao gồm núi Moriyoshi ở Akita, và núi Hakkoda ở Aomori. Khoảng thời gian thích hợp nhất để đi xem hiện tượng này là từ đầu đến giữa tháng Hai.

 

Omiwatari trên hồ Suwa. (Nguồn ảnh: Suwa Tourism Association)

 

Hồ Suwa (諏訪湖 Suwako) là hồ nước lớn nhất Nagano, và đôi khi đóng băng vào mùa đông. Vào những dịp hiếm hoi ấy (ngày càng hiếm do trái đất đang nóng lên), bạn có thể chứng kiến một hiện tượng vô cùng đặc biệt được gọi là omiwatari (御神渡り), có nghĩa là "Chúa đi qua". Omiwatari xảy ra khi băng trên hồ nở ra và xô vào nhau do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Băng nứt thành một đường nhô cao trên mặt hồ, được gọi là omiwatari. Ngay cả khi không thể chiêm ngưỡng omiwatari, bạn vẫn có thể thử đi bộ trên bề mặt đóng băng của hồ hoặc trải nghiệm câu cá bằng wakasagi, nếu gặp điều kiện phù hợp.

 

Mùa đông đồng nghĩa với tuyết rơi dày và những đêm tối tăm kéo dài, vì vậy, lẽ đương nhiên là có nhiều lễ hội mùa đông xoay quanh chủ đề ánh sáng và băng tuyết.

 

Lễ hội Tokamachi Snow. (Nguồn ảnh: 十日町雪まつり実行委員会)

 

Thị trấn Tokamachi (十日町 Tōkamachi) thuộc tỉnh Niigata là một trong những thị trấn có lượng tuyết rơi cao nhất Nhật Bản, đôi khi tuyết rơi có thể gây bất tiện cho cuộc sống hàng ngày. Thay vì cho nó là một chuyện không tốt, người ta ăn mừng tuyết rơi với Lễ Hội tuyết Tokamachi (十日町雪まつり Tōkamachi yuki matsuri), ở đó, vô số tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp làm từ băng tuyết được tạo hình.

 

Lễ hội Kamakura của thành phố Yokote. (Nguồn ảnh: Tổ Chức Xúc Tiến Du Lịch Tohoku)

 

Lễ hội Yokote Kamakura (横手の雪まつり Yokote no yuki-matsuri) là lễ hội để bày tỏ lòng thành kính với thủy thần, và được tổ chức hàng năm vào ngày 15 - 16 tháng 2 tại thành phố Yokote (横手) thuộc tỉnh Akita. Trong lễ hội này, có hàng loạt các hoạt động thú vị xoay quanh kamakura (かまくら) - những căn chòi/ túp lều tuyết. Bên trong mỗi kamakura là một bàn thờ làm từ tuyết để mọi người có thể cầu nguyện trước thủy thần. 

 

 Những túp lều tuyết kamakura tí hon. (Nguồn ảnh: Tổ Chức Xúc Tiến Du Lịch Tohoku)

 

Du khách thậm chí có thể trải nghiệm tự xây túp lều tuyết kamakura cho riêng mình! Ngoài ra, Lễ Hội Yokote Kamakura còn có các túp lều tuyết kamakura tí hon, được thắp sáng bằng nến vào ban đêm, tạo nên một bầu không khí diệu kỳ, đặc biệt là khi có tuyết rơi!

 

Những ngày nghỉ lễ để tôn vinh thiên nhiên: Ngày của Núi, Ngày của Rừng, Ngày của Biển

Một trong những ngày nghỉ lễ mới nhất của Nhật Bản, Ngày của Núi (山の日 Yama-no-hi), rơi vào ngày 11 tháng 8 và bắt đầu từ năm 2016, nhằm tôn vinh núi đồi và thiên nhiên. Các ngày nghỉ lễ để tôn vinh thiên nhiên bao gồm Ngày của Rừng (緑の日 Midori-no-hi) - tức mùng 4 tháng 5 và Ngày của Biển (海の日 Umi-no-hi) vào thứ hai của tuần thứ 3 tháng 7. Việc có đến ba ngày tôn vinh thiên nhiên được coi là ngày nghỉ lễ chính thức ở Nhật Bản là minh chứng cho tầm quan trọng của thiên nhiên đối với đời sống người Nhật.

(Lưu ý: Do Thế Vận Hội Tokyo Olympics 2020, Ngày của Biển đã được rời sang ngày 23 tháng 7 năm 2020, còn Ngày của Núi sẽ được tổ chức vào ngày 10 tháng 8 năm 2020.)

 

Ghé thăm Nhật Bản vào cả bốn mùa

Với các mùa và shun - thời kì (旬) phân chia rõ rệt, Nhật Bản là một đất nước mà bạn có thể ghé thăm nhiều lần và sẽ luôn khám phá được những điều mới mẻ. Cùng một nơi, có thể mang đến những trải nghiệm khác nhau, tùy thuộc vào thời điểm mà bạn ghé thăm!

 

Cảnh Oirase Keiryu vào mùa hè, thu và đông. (Nguồn ảnh: JR East/ Carissa Loh)

 

Đã ghé thăm cả 47 tỉnh thành của Nhật Bản, nhưng mình vẫn muốn tiếp tục quay lại, để xem cùng một địa điểm vào các mùa khác nhau sẽ thế nào. Trăm hoa khoe sắc vào mùa xuân, cỏ cây tốt tươi vào mùa hè, sắc lá ấm áp vào mùa thu và tuyết phủ trắng xóa vào mùa đông -mỗi mùa đều có điểm mới mẻ để trải nghiệm! Không chỉ có phong cảnh tuyệt đẹp để ngắm nhìn, mà mỗi mùa còn có những mùi hương khác, những đặc sản theo mùa khác để thưởng thức, những trải nghiệm khác để cảm nhận và những âm thanh khác để lắng nghe.

 

Miền đông Nhật Bản mang đến cho bạn những góc nhìn và trải nghiệm khác nhau qua các mùa. (Nguồn ảnh: JR East/ Carissa Loh)

 

Khu vực phía đông Nhật Bản đặc biệt có thiên nhiên, truyền thống và văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Có rất nhiều hoạt động để trải nghiệm suốt cả năm, và mình khuyến khích bạn nên thử ghé thăm vào các mùa khác nhau để có một trải nghiệm trọn vẹn và khó quên. Đừng quên nếm thử những nguyên liệu và món ăn ngon nhất của mỗi mùa để có một chuyến đi còn đáng nhớ hơn nữa nhé!

 

Cách đi

Vé JR EAST PASS (khu vực Tohoku) and vé JR EAST PASS (khu vực Nagano, Niigata). (Nguồn ảnh: JR East)

 

Bất kể mùa nào, vé JR East Pass đều giúp bạn tiết kiệm tiền đáng kể.  Có hai loại vé, cả hai đều cho phép đi không giới hạn trên các tuyến JR East (bao gồm cả tàu cao tốc) thuộc các khu vực được áp dụng, hiệu lực 5 ngày liên tục. Người có vé cũng có thể đặt chỗ trực tuyến trên tàu cao tốc, một số tàu tốc hành đặc biệt và các tàu thuộc hệ thống Joyful Trains miễn phí, có thể đặt chỗ trước tối đa 1 tháng, tại ĐÂY.

 

Vé JR EAST PASS (khu vực Tohoku) có giá chỉ 20.000 yên (khoảng 4.240.000 vnđ) khi mua ở nước ngoài, rẻ hơn vé khứ hồi giữa Tokyo và Sendai (~ 23.000 yên, khoảng 5.070.000 vnđ), trong khi vé JR EAST PASS (khu vực Nagano, Niigata) có giá chỉ 18.000 yên (khoảng 3.820.000 vnđ) khi mua ở nước ngoài, rẻ hơn vé khứ hồi giữa Tokyo và Niigata (~ 21.000 yên, khoảng 4.629.000 vnđ).

 

LƯU Ý: Từ ngày 1 tháng 4 năm 2021, đã có một số thay đổi về hiệu lực và giá vé JR EAST PASS (khu vực Tohoku). Để biết thêm thông tin, vui lòng kiểm tra tại đây.

 

Nguồn ảnh tiêu đề: JR East/ Akio Kobori

 

Bài viết liên quan

Share this article:
TSC-Banner